Giỏ hàng không có sản phẩm !
Nguyên nhân gây mất ngủ ở các lứa tuổi khác nhau
Ngày nay, mất ngủ là tình trạng mà nhiều người ở mọi lứa tuổi gặp phải gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cuộc sống hàng ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất ngủ, từ lý do sinh học, đến thói quen và môi trường xung quanh. Cùng tìm hiểu nguyên nhân mất ngủ ở từng độ tuổi để tìm cách phòng tránh và khắc phục.
1. Những nguyên nhân gây mất ngủ chung
Có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất ngủ sẽ có những biểu hiện khác nhau trong từng giai đoạn.
1.1 Căng thẳng và lo âu
Căng thẳng và lo âu là nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ. Những áp lực đến từ công việc, cuộc sống hàng ngày, các mối quan hệ kích thích bộ não quá mức, làm mất dần khả năng thư giãn và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng căng thẳng kéo dài làm tăng nồng độ cortisol – hormone gây stress, khiến cơ thể luôn ở trạng thái cảnh giác, làm gián đoạn giấc ngủ sâu. Đồng thời, lo âu còn giảm sản xuất serotonin và melatonin, các hormone cần thiết cho giấc ngủ ngon. Thiếu ngủ lại càng làm tăng mệt mỏi, căng thẳng, tạo thành vòng xoáy luẩn quẩn khó thoát.
1.2 Ăn uống không lành mạnh
Chế độ ăn là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ mà nhiều người không ngờ tới.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tiêu thụ quá nhiều caffeine, đặc biệt là vào buổi chiều và tối, có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của cơ thể. Caffeine là một chất kích thích, làm tăng hoạt động của hệ thần kinh trung ương và giảm khả năng đi vào giấc ngủ.
Ngoài ra, việc ăn uống không điều độ, đặc biệt là ăn quá no hoặc ăn thức ăn chứa nhiều đường và chất béo vào buổi tối, có thể gây ra chứng trào ngược dạ dày thực quản và khó tiêu, làm gián đoạn giấc ngủ.
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng như magie (các loại hạt) và vitamin B6 (trứng, gà, cá hồi) có thể ảnh hưởng đến sản xuất melatonin và serotonin, các hormone giúp điều chỉnh giấc ngủ. Do đó, để có một giấc ngủ ngon, cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh.
1.3 Thói quen sinh hoạt không điều độ
Rối loạn nhịp sinh học của cơ thể như thức khuya, dậy muộn cũng là một yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ của chúng ta. Việc thay đổi giờ ngủ thất thường làm giảm khả năng sản sinh ra melatonin - hormone đưa chúng ta vào giấc ngủ sâu.
Ngoài ra, ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử sử dụng trước khi đi ngủ cũng đánh lừa bộ não khiến não bộ cho rằng đang là ban ngày và duy trì trạng thái tỉnh táo, dẫn đến khó ngủ hơn.
1.4 Ảnh hưởng từ môi trường xung quanh
Môi trường xung quanh có ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ. Tiếng ồn, ánh sáng mạnh, hoặc nhiệt độ không phù hợp đều có thể làm gián đoạn giấc ngủ, khiến cơ thể khó thư giãn và khó vào giấc ngủ sâu.
Nghiên cứu cho thấy, một không gian ngủ yên tĩnh, tối và mát mẻ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Do đó, việc tạo ra một môi trường ngủ lý tưởng, thoải mái là yếu tố quan trọng để đảm bảo giấc ngủ ngon và sức khỏe toàn diện.
2. Nguyên nhân gây mắt ngủ ở người trẻ tuổi
Nói đến mất ngủ, ta hay nghĩ đến những người cao tuổi với thể chất, sức khỏe giảm sút làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tuy nhiên, tình trạng mất ngủ đang ngày càng trở lên phổ biến và nghiêm trọng trong nhóm người trẻ tuổi. Sau đây là một số nguyên nhân gây ra những thực trạng này.
2.1. Áp lực công việc và học tập
Sự cạnh tranh khốc liệt, kỳ vọng cao từ xã hội và gia đình tạo ra một môi trường căng thẳng liên tục cho người trẻ. Những áp lực từ học tập, công việc, sự ganh đua không ngừng khiến bộ não ít thời gian ngơi nghỉ và ngày càng khó đi vào giấc ngủ
Hơn nữa, việc làm việc quá giờ, deadline dồn dập và thiếu thời gian nghỉ ngơi hợp lý càng làm tình trạng mất ngủ trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hiệu suất hàng ngày.
2.2 Sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ
Sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ với nhiều người là hành động giải trí sau ngày làm việc căng thẳng nhưng hành động này lại gây ra hậu quả khôn lường cho giấc ngủ.
Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại, máy tính và máy tính bảng ức chế sự sản xuất melatonin – hormone giúp điều chỉnh giấc ngủ.
Ánh sáng xanh có trong ánh sáng mặt trời, là dấu hiệu để bộ não nhận biết ngày và đêm. Khi tiếp xúc với ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử bộ não sẽ bị đánh lừa rằng đang là ban ngày vì vậy duy trì trạng thái tỉnh táo và khó đi vào giấc ngủ hơn.
2.3 Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Ngoài những nguyên nhân chủ quan thì chứng mất ngủ ở người trẻ còn đến từ chính thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Việc thức khuya, dậy muộn của nhiều bạn trẻ làm rối loạn nhịp độ sinh học tự nhiên của cơ thể. Điều này ảnh hưởng đến quá trình sản xuất các loại hormone tự nhiên giúp cơ thể thư giãn, đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.
3. Nguyên nhân mất ngủ của người cao tuổi
Đây có lẽ là độ tuổi dễ gặp phải tình trạng mất ngủ nhất, ngay cả khi có một môi trường lý tưởng thì người lớn tuổi vẫn khó đi vào giấc ngủ do những thay đổi về mặt sinh học bên trong cơ thể. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến mất ngủ ở người cao tuổi
3.1 Thay đổi sinh lý theo tuổi tác
Trong quá trình lão hóa, cơ thể sẽ giảm sản sinh hormone Melatonin người cao tuổi thường trải qua giấc ngủ ngắn hơn và dễ bị gián đoạn. Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng lão hóa làm giảm thời gian ngủ sâu (giai đoạn ngủ phục hồi quan trọng), khiến giấc ngủ trở nên nông và dễ tỉnh giấc.
3.2 Các vấn đề sức khỏe mãn tính và tác dụng phụ của thuốc
Các bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi như bệnh lý tim mạch, đau nhức xương khớp, tiểu đêm cũng gây khó chịu và thường xuyên dậy giữa đêm.
Một số loại thuốc điều trị các bệnh này cũng có tác dụng phụ làm cho tính trạng mất ngủ trở nên trầm trọng hơn. Các loại thuốc corticoid, thuốc chữa nội tiết tố tuyến giáp, thuốc điều trị bệnh thần kinh hoặc trầm cảm, thuốc hạ huyết áp Methyldopa… đều có tác dụng phụ gây mất ngủ.
3.3 Bệnh lý tâm thần kinh
Theo một ước tính, có khoảng 30% số người cao tuổi trong cộng đồng và hơn 50% số người cao tuổi sống trong viện dưỡng não trải qua các triệu chứng trầm cảm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi, khiến họ khó ngủ hơn, giấc ngủ không sâu hoặc có hiện tượng ngủ ngày.
Các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ, alzheimer,... cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của người lớn tuổi.
4. Nguyên nhân mất ngủ ở phụ nữ mang thai và sau sinh
Một đối tượng khác cũng rất dễ bị rối loạn giấc ngủ là những phụ nữ đang mang thai và sau sinh nở. Đây là giai đoạn những người phụ nữ có nhiều thay đổi trong cơ thể và tâm lý khi bắt đầu một vai trò mới.
4.1 Các loại hormone thay đổi trong cơ thể
Trong thai kỳ, hormone Progesterone tăng cao gây tình trạng mệt mỏi ban ngày nhưng lại làm khó ngủ vào ban đêm, những mẹ bầu thường rất mệt mỏi nhưng lại khó ngủ sâu. Ngoài ra, hormone Estrogen gây ra những vấn đề như nghẹt mũi, chuột rút, tiểu đêm,... khiến họ dễ tỉnh dậy vào ban đêm.
Sau khi sinh, các hormone như Oxytocin , Prolactin tăng cao để hỗ trợ cho việc sản xuất sữa nhưng lại khiến cho giấc ngủ của người phụ nữ ngắn, nông hơn và dễ bị gián đoạn hơn.
4.2 Tình trạng căng thẳng và lo âu
Phụ nữ mang thai và sau khi sinh gặp rất nhiều áp lực từ việc chăm sóc em bé, từ công việc, mâu thuẫn trong các mối quan hệ, chuẩn bị tài chính,... cùng với sự thay đổi của các hormone trong cơ thể khiến cho tâm trạng dễ thay đổi, tình trạng căng thẳng, lo âu ngày càng tăng, thậm chí dẫn đến trầm cảm sau sinh. Thần kinh luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi là nguyên nhân lớn khác khiến người phụ nữ bị mất ngủ trong giai đoạn này.
4.3 Trách nhiệm chăm sóc con nhỏ
Khi có con nhỏ, giờ sinh hoạt của người mẹ sẽ phải thay đổi theo giờ sinh hoạt của em bé. Người mẹ sẽ phải cho em bé ăn mỗi 2-3 giờ, thay tã, dỗ dành lúc bé khóc và ru ngủ,... Những công việc này khiến giấc ngủ của người mẹ bị gián đoạn và không sâu. Chăm sóc em bé và tâm trạng căng thẳng, lo âu khiến người mẹ dễ bị mất ngủ dù rất mệt mỏi.
KẾT LUẬN
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mất ngủ ở các độ tuổi khác nhau. Hiểu rõ nguyên nhân gây mất ngủ là bước đầu trong quá trình cải thiện giấc ngủ và sức khỏe toàn diện. Vậy làm gì để chấm dứt tình trạng này? Tham khảo ngay những giải pháp trong bài viết dưới đây.
Bài viết liên quan : Làm sao để xóa bỏ tình trạng mất ngủ kinh niên
Website: https://brainco.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/braincovietnam/about
Bình luận